Tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục

Theo tài liệu, cuối năm 1906, sau khi hội kiến với Phan Bội Châu ở Nhật về nước, Phan Chu Trinh đã gặp gỡ Lương Văn Can và nêu ý định thành lập một trường học kiểu mới, giống mô hình của trường Khánh Ứng Nghĩa thục ở Nhật.

Dưới thời Thiên hoàng Minh Trị, học giả Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát, 1835 - 1901) đã thành lập Trường Khánh Ứng Nghĩa thục vào năm 1868 ở Nhật Bản theo mô hình "public school" của nước Anh bao gồm việc truyền bá bốn tính cách quan trọng cho học sinh đó là tính tự cường, ý chí độc lập, óc tháo vát và lòng tự nguyện đóng góp vào các việc công ích, công thiện.

Một thời gian sau, Phan Bội Châu cũng về nước, cùng Phan Chu Trinh, Lương Văn Can và Tăng Bạt Hổ họp tại phố Hàng Đào, quyết định mở trường, lấy tên là Đông Kinh Nghĩa thục với mục đích: khai chí (trí) cho dân, mở những lớp dạy học không lấy tiền. Đông Kinh là tên trường, Nghĩa Thục là trường làm việc nghĩa. Lương Văn Can được cử làm Thục trưởng (Hiệu trưởng). Nguyễn Quyền làm học giám[2]

Về tài chính, hội viên tự ý giúp bao nhiêu cũng được và quyên thêm trong những chỗ quen thuộc hảo tâm. Tiền do cụ Lương xuất phát, nhưng sổ sách do cụ Nguyễn Quyền giữ.

Trường được chia làm bốn ban hoạt động:

Ban giáo dục

Nhiệm vụ của Ban là mở lớp học, dạy học. Tuy nhiên, trường chưa có một chương trình học rõ ràng và hệ thống, cũng như các tài liệu được biên soạn dành cho giảng dạy. Cơ bản với 3 bậc học: Tiểu học dạy những người mới học Quốc ngữ; Trung học và Đại học dạy cho những người lớn đã thông chữ Hán, hoặc muốn học chữ Pháp. Các bậc học thực chất chỉ căn cứ vào trình độ hiểu biết của học sinh mà xếp thành lớp, do đó lớp tuổi học sinh cũng không đều.

Các môn học được giảng dạy bao gồm Sử ký, Địa lý nước nhà, Toán, Hội họa, một số kiến thức khoa học.

Về tài liệu giáo khoa, về Hán học, thì học tân thư Trung Quốc, nhất là sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Sách học Quốc ngữ là các giáo án tự soạn của các giáo viên, dạy những kiến thức cơ bản về đất nước, về lịch sử Việt Nam.

Ban tài chính

Trường không thu học phí và giáo viên ban đầu cũng không có lương. Ban đầu, nguồn kinh phí của trường dựa vào các khoản "lạc trợ" (ủng hộ) của các hội viên và những người hảo tâm yêu nước, cũng như các khoản đóng góp tự nguyện của học sinh. Theo cụ Lê Đại, một hội viên sáng lập của trường, phụ trách Ban Tài chính, "Ấy vậy, có lúc nhà trường đứng ra thu tiền ủng hộ không xuể".

Về sau, phong trào duy tân xung quanh hoạt động dạy học Đông Kinh Nghĩa Thục lan rộng. Ban Tài chính còn chịu trách nhiệm mở các tiệm buôn bán và kinh doanh nhằm khuếch trương thực nghiệp, cổ động cải cách kinh doanh, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho trường. Sau này kinh phí dồi dào, trường cấp miễn phí giấy bút cho học sinh và trả giáo viên một số lương tượng trưng nhỏ.

Ban cổ động diễn thuyết và bình văn

Ban chịu trách nhiệm điều hành hai tờ báo Đăng cổ Tùng báo, Đại Việt Tân báo, là cơ quan ngôn luận của trường, tuyên truyền cho cải cách, bài trừ hủ tục, vận động nhớ đến ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3, sử dụng chữ quốc ngữ. Ban cũng thường xuyên tổ chức diễn thuyết, bình văn tại trường vào các tối mồng một và rằm hàng tháng. Người ngoài trường dự nghe rất đông, có cả quan lại, binh lính, viên chức. Trong các buổi diễn thuyết, diễn giả thường bình luận các bài in trên Đăng cổ Tùng báo, Đại Việt Tân báo, hoặc nói chuyện về đề tài lịch sử, về Cách mạng Pháp 1789, về sự nghiệp của George Washington, v.v... Phan Chu Trinh cũng thỉnh thoảng đến diễn thuyết ở trường.

Ban trước tác

Biên soạn, dịch thuật các tài liệu học tập và tài liệu tuyên truyền là nhiệm vụ của Ban Trước tác. Xuất bản và dịch thuật các tài liệu Tân thư được xem như cương lĩnh hành động chung của sĩ phu Duy tân bấy giờ, chủ trương dùng văn tự nước nhà, hiệu định sách vở cốt thiết thực, sửa đổi phép thi, cổ võ nhân tài, chấn hưng công nghệ, xuất bản báo chí....

Để truyền bá tư tưởng duy tân (đổi mới), nhà trường phát hành nhiều sách giáo khoa như là Tân đính Luân lý Giáo khoa thư, Văn minh Tân học sách, Quốc dân độc bản, Nam quốc địa dư, Cải lương mông học Quốc sử Giáo khoa thư [3]

Các sách giáo khoa chữ Hán được in bản gỗ, trên giấy lĩnh làng Bưởi như Nam Quốc địa dư, Nam Quốc vĩ nhân truyện, Quốc dân độc bản. Sách Quốc ngữ thì in bằng thạch, chủ yếu là những bài ca dễ đọc, dễ nhớ, đại loại như Kêu hồn nước, Á Tế Á, Đề bỉnh quốc dân, Thiết diễn ca... Các sách dịch đầu tiên là những bộ Tân thư như Trung Quốc tân giáo khoa thư, Văn minh tân học sách...

Chỉ trong vòng mấy tháng, ban này đã soạn được nhiều sách giáo khoa cho mục đích dạy học của nhà trường, ngoài ra còn biên dịch nhiều Tân thư chữ Hán. Nhờ Đông Kinh Nghĩa Thục mà tiếng Việt hiện đại đã có thêm nhiều từ mới.